Tiếp nhận Dòng_máu_anh_hùng

Thương mại

Doanh thu ước tính của Dòng máu anh hùng vào khoảng 10 tỷ đồng;[2] tổng lợi nhuận từ cả thị trường trong và ngoài nước của phim là 1,2 triệu đô-la Mỹ.[54] Phim thu về 7 tỷ đồng sau khi trình chiếu trong nước, chia rạp còn lại 3.5 tỷ đồng.[38] Theo Johnny Trí Nguyễn, Dòng máu anh hùng và Bẫy rồng đã bán và phát hành trên 30 quốc gia.[55]

Phim thu về 1 tỷ đồng trong 3 ngày đầu công chiếu,[56] rồi tăng lên 5 tỷ đồng sau tuần đầu tiên công chiếu.[40] Theo thống kê của Hãng phim Chánh Phương, tuần đầu phim đạt hơn 35.000 vé; ước tính có khoảng 12.000 lượt người vào rạp xem Dòng máu anh hùng vào ngày 30 tháng 4 và hơn 11.000 người vào ngày 1 tháng 5.[57] Trong kỳ nghỉ lễ, tại cụm rạp Thăng Long, Hà Nội, phim chiếm khoảng 1.000 vé; ở cụm rạp Galaxy Nguyễn Trãi và Galaxy Nguyễn Du, Thành phố Hồ Chí Minh, đây là phim ăn khách thứ hai, chỉ đứng sau Code Name: The Cleaner.[56] Phim đứng đầu các hệ thống rạp của Saigon Media gồm Thăng Long, Đống Đa và Toàn Thắng, với hơn 4.000 lượt xem trong 2 ngày lễ và tất cả suất tối đều bán hết vé; con số này tăng lên 6.000 lượt trong cùng kỳ ở Cinebox 212 và Cinebox Hòa Bình.[58] Sau khoảng 3 tuần công chiếu ở Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh, phim đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng và được đề nghị giữ lại chiếu tiếp.[44] Tại thành phố Hồ Chí Minh, phim trụ lại ở một số rạp trong gần 6 tháng, một con số kỷ lục.[59]

Dù "lập được kỷ lục về doanh thu" tại các phòng vé,[2] Dòng máu anh hùng vẫn không thể thu hồi lại đủ vốn, là nguyên nhân khiến Nguyễn Chánh Tín phá sản và mất nhà, được ông công bố vào tháng 3 năm 2014.[38] Bộ phim được chọn xuất hiện chủ yếu tại thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tránh nguy cơ bị sao chép bất hợp pháp;[13] tuy nhiên một bản nháp lậu vẫn bị rò rỉ lúc phim đã thu lại khoảng một nửa kinh phí đầu tư, làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu.[2] Theo Nguyễn Chánh Tín, tham vọng ra thị trường quốc tế khiến một số nhà đầu tư nôn nóng đem bộ phim dự thi tại các trường điện ảnh lớn của thế giới là lý do lớn khiến bản phim bị sao chép lậu.[2][60] Trang Lao động cho rằng vì bộ phim lúc này đã "phát hành trên thị trường trong nước thời gian khá dài" nên tai nạn "chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát hành DVD", dù khẳng định các nhà sản xuất không chú trọng phát triển phân phối DVD trong nước và The Weinstein Company "cũng không chịu tác động gì với bản rò rỉ tại Việt Nam".[2] Với Doanh nhân Sài Gòn, ngoài vấn đề bản quyền, lý do đáng kể nhất mà phim gặp phải chính là thời điểm ra rạp "chưa phù hợp với thị hiếu khán giả, vì họ vẫn còn đang rất chuộng phim hài."[61]

Đánh giá chuyên môn

Dòng máu anh hùng nhận nhiều lời khen ngợi từ báo chí và khán giả trong nước.[2][30] Theo báo cáo của Người Lao động, tất cả các thành viên trong buổi trình chiếu phim cho Hội đồng Duyệt phim quốc gia "đều có chung nhận định, đây là bộ phim võ thuật Việt Nam hay nhất từ trước đến nay."[26] Sau buổi công chiếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Phong nhận xét đây "là một bộ phim hành động đúng nghĩa", so sánh các tuyến nhân vật với Thập diện mai phục (2004) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và mô tả Dustin Nguyễn "sắc, lạnh và lì" trong vai mật thám Sỹ, "là nhân vật có chiều sâu tâm lý nổi bật nhất trong phim."[62] Nhà báo Như Hoa cho rằng "các pha hành động xảy ra từ đầu đến cuối phim, đôi lúc làm người xem tưởng như nghẹt thở, nhưng vẫn thấy rất hài lòng, rất đã" và nhấn mạnh diễn xuất của ba diễn viên chính, những người "tung hoành trên màn ảnh, đủ làm khán giả không ngừng dõi mắt theo từng bước chân, từng diễn biến tâm lý của nhân vật."[5]

Diễn xuất của Dustin Nguyễn trong vai mật thám Sỹ mang về nhiều đánh giá tích cực.[9][62]

Richard Kuipers của Variety chỉ ra yếu tố "hành động và phiêu lưu dẫn dắt xuyên khắp bộ phim, với những điểm cộng lớn diễn ra lúc tiến về trận cao trào ở làng của Thúy" và khen ngợi tông điệu của Dominic Pereira, nhạc phim của Christopher Wong và bối cảnh "át chủ bài" của Lã Quý Tùng.[1] Ngô Thị Kim Cúc từ Người Lao động cho một nhận xét rất tích cực, đề cao "kịch bản phim kết cấu hợp lý, chuyển biến nhanh, hầu như không có chi tiết thừa. Lời thoại ngắn gọn, sắc, một số chỗ rất thú vị [...] thoát hẳn bệnh rề rà, nói nhiều, nói dở và làm thừa quen thấy ở phim Việt Nam". Bà còn nhấn mạnh diễn xuất "hết sức tinh tế" của Dustin Nguyễn và đánh giá đây "chính là diễn viên để lại ấn tượng rõ nhất cho khán giả."[9]

Nhà báo Cát Vũ cho rằng phim "tạo được nhiều cảnh hành động khá ngoạn mục" và chú ý đến âm nhạc "nhẹ nhàng, êm dịu [...] thể hiện tiếng lòng sâu thẳm của một tình yêu vừa chớm nở" xuyên suốt trong Dòng máu anh hùng, một điểm khác biệt so với hầu hết các phim hành động khác.[30] Lê Bảo từ VnExpress chỉ ra những "tình tiết [...] dựng khá chặt chẽ, tạo mạch phim kết dính và cuốn hút người theo dõi" là yếu tố biến phim trở thành "một trong số những tác phẩm nói về chiến tranh Việt Nam đáng được quan tâm", dù đánh giá diễn xuất của Ngô Thanh Vân "hơi 'điệu', nét mặt đôi lúc bị cứng, lời thoại diễn viên chưa dễ nghe bởi đài từ kém."[8] Trang Sài Gòn Giải Phóng cho rằng đạo diễn "muốn làm nổi hành động cá nhân nên nội dung phim phần nào được xem nhẹ" và ngoài những pha "ngộp thở tức thời" thì "nội dung ít đọng lại trong lòng khán giả sau khi ra khỏi rạp."[63]

An Nam của Công an Nhân dân cảm thấy phim "vẫn làm cho nhiều người không thỏa mãn" sau một thời gian quảng bá; tác giả chỉ trích trang phục, bối cảnh và ngôn ngữ nhân vật không mang tính Bắc Bộ, cùng với cách phát âm của Dustin Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn, "buộc [khán giả] phải xem thêm phụ đề tiếng Anh để hiểu xem nhân vật nói gì."[64] Trong một đánh giá tiêu cực, Dịu Hiền của trang Dân Trí chú ý đến sự "sơ hở để lọt nhiều tình tiết thiếu logic trong kịch bản", chủ yếu nằm trong cách xây dựng tình tiết, tính cách nhân vật "thiếu thuyết phục đến mức hoang tưởng" và mô-típ anh hùng cứu mỹ nhân "đơn giản và khá sơ sài".[7] Nhà báo Đỗ Tuấn nhận thấy phim xuất hiện nhiều đòn thế "giống võ Thái và võ Hàn, chứ không có nét đặc trưng của võ Việt", với "những bộ chỏ, gối và cú đá ngang xoay vòng 360 độ của các nhân vật trong phim mang nhiều nét của võ Thái." Dù vậy, ông vẫn khen ngợi các pha võ thuật "rất ấn tượng" trong phim, mang cảm giác "nghẹt thở và khốc liệt của phim Việt chẳng thua kém gì điện ảnh Hồng Kông hay Hollywood khiến mọi người không khỏi cảm thấy bất ngờ, thích thú."[20]

Dòng máu anh hùng được xem là điểm sáng của điện ảnh Việt thời kỳ đổi mới[2] và là một bước tiến dài của dòng phim hành động trong nước.[61] Nhà báo Diệp Yến khẳng định bộ phim này "xuất hiện như một luồng gió mới thổi mát cơn khát của khán giả muốn điện ảnh Việt được vươn tầm" trong bối cảnh điện ảnh nước nhà "chưa tìm được lối thoát khỏi sự cũ kỹ, nhàm chán của những bộ phim làm bằng kinh phí tài trợ của nhà nước".[65] Trong một bài viết phân tích phim truyện nhựa, nhà báo Cát Vũ của Tuổi Trẻ đề cập đến bộ phim này như là "phim hành động hay nhất của điện ảnh Việt Nam" bởi "những pha võ thuật đẹp mắt, vừa khơi dậy chất hào hùng, lòng yêu nước vốn tiềm tàng trong dòng máu Việt."[66] Hương Nhu của Người Lao động gọi bộ phim là "bom tấn" của thị trường phim hè và thiết lập tiêu chuẩn cho dòng phim hành động Việt Nam, không chỉ gây ấn tượng mạnh với công chúng yêu điện ảnh nước nhà mà còn mang đến cho khán giả nước bạn "một cái nhìn mới về điện ảnh Việt Nam."[67]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dòng_máu_anh_hùng http://www.bbc.com/vietnamese/culturesport/story/2... http://www.bbc.com/vietnamese/lg/culture/2009/04/0... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/03/1403... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2007/0... http://variety.com/2007/film/reviews/the-rebel-2-1... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TheRebelPre...